Ngoài gỗ tự nhiên, ngày nay người dùng cũng dành sự quan tâm khá lớn cho gỗ công nghiệp về ưu thế giá, mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên không phải loại gỗ công nghiệp nào cũng có những đặc tính giống nhau, thông qua một số loại bề mặt phủ cho ván gỗ sau đây, chắc chắn bạn sẽ hiểu thêm về loại vật liệu này và có sự lựa chọn đúng đắn
Lớp phủ Melamine: lớp nhựa dán có tính thẩm mỹ cao
Hiện nay trên thị trường có hàng trăm mẫu màu Melamine từ màu đơn sắc đến vân gỗ đáp ứng nhu cầu thiết kế cũng như nhu cầu thẩm mỹ riêng cho từng khách hàng. Bản chất của lớp phủ này là một loại nhựa để dán lên trên nền ván gỗ công nghiệp, có cấu tạo thông thường gồm 3 lớp chính:
– Lớp Overlay (lớp màng phủ) là lớp vật liệu trong suốt có tác dụng ổn định lớp bề mặt, tạo nên lớp bề mặt vững chắc. Chống nước, chống xước, chống va đập, chống phai màu và dễ dàng lau chùi, bảo dưỡng.
-Lớp thứ 2 (Decorative paper) là lớp phim tạo màu hoặc vân gỗ.
-Lớp thứ 3 (Kraft Paper) là lớp giấy nền bao gồm 3 lớp, mỗi lớp dày 0.2mm. Dưới tác dụng bởi lực ép ở nhiệt độ cao các lớp được gắn kết lại với nhau trong suốt quá trình sử dụng. Giấy nền Kraft này bền, dai và thô. Định lượng của giấy nền là 50-135 g/m2. Giấy nền thường có màu nâu hoặc xám, nhưng nếu cần thiết có thể được tẩy trắng bằng hóa chất.
Melamine thường được phủ trên nền ván MFC , MDF, WPB, HDF, Plywood … có giá thành hợp lý và được sử dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất
Lớp Laminate khả năng chịu va đập lớn
Laminate nhiều người còn gọi là formica; chúng có tên khoa học là High-pressure Laminate (HPL). Xét về cấu tạo của laminate thì chúng bao gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau; được liên kết bằng loại keo dán gỗ cao cấp. Loại keo thường sử dụng là keo melamine (melamine resin) trong quá trình ép ở nhiệt độ và áp suất rất cao.
Độ dày thường thấy của Laminate là 0.6 đến 0,8 mm với tấm loại phổ thông
Đối với các sản phẩm nội thất yêu cầu uốn cong thì dùng độ dày thấp thường là 0.5mm. Laminate thường được phủ trên bề mặt MDF, HDF, Plywood.. có khả năng chịu trầy xước cao, chịu va đập, hoá chất, nhiệt độ cao … ứng dụng trong đồ gỗ nội thất cao cấp, quầy, tủ, kệ.
Lớp phủ Veneer với ưu thế, màu sắc tương đồng gỗ tự nhiên
Tấm Veneer bản chất cũng là gỗ tự nhiên. Gỗ sau khi khai thác sẽ được cắt (bóc ly tâm) thành những lát dầy từ 0.3mm – 0.6mm; chiều rộng tuỳ theo loại gỗ, trung bình khoảng 180mm; dài khoảng 240mm; sau đó được phơi và sấy khô thành những tấm Veneer thành phẩm.
Veneer cho cảm giác rất thật và đẹp
Veneer thành phẩm sẽ được dán trên nền ván gỗ công nghiệp như MDF, HDF nên chống được cong vênh, mối mọt, có thể thiết kế chi tiết cong mà gỗ tự nhiên không thể làm được. Những năm trở lại đây, khi gỗ tự nhiên đang dần cạn kiệt bởi sự khai thác, tàn phá của con người thì Veneer là một giải pháp thay thế hoàn hảo không chỉ mang đến những sản phẩm nội thất bền, thẩm mỹ cao.
Nhựa Acrylic (gỗ bóng gương)
Acrylic có tên gọi đầy đủ là Hi Gloss Acrylic. Acrylic là một loại nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, có thể trong suốt hoặc có màu sắc khác nhau, có tính dẻo, bề mặt nhẵn bóng, phẳng mịn gấp 2 lần so với các loại ván gỗ phủ sơn. Acrylic dễ lau chùi và dễ dàng đánh bay những vết xước nhẹ trên bề mặt.
Acrylic ứng dụng nhiều trong nội thất cao cấp, đặc biệt dùng làm cánh cửa tủ bếp, tủ áo quần ….
Trên đây là một số chất liệu của bề mặt hoàn thiện của ván công nghiệp hiện đang phổ biến trên thị trường đồ gỗ nội thất Việt Nam. Tùy vào không gian, nhu cầu sử dụng, người dùng có thể chủ động chọn cho mình mẫu gỗ phù hợp để làm đẹp cho ngôi nhà của mình.